Open Access
Yếu tố tiên lượng của thất bại với tuần hoàn fontan giai đoạn sớm: kết quả sau 8 năm triển khai phẫu thuật fontan
Author(s) -
Tran Dac Dai,
Le Ngoc Thanh,
Đặng Thị Hải Vân,
Do Anh Tien
Publication year - 2021
Publication title -
tim mạch và lồng ngực
Language(s) - Vietnamese
Resource type - Journals
ISSN - 0866-7551
DOI - 10.47972/vjcts.v30i.479
Subject(s) - chemistry , stereochemistry
Mục tiêu: nghiên cứu đươc tiến hành nhằm đánh giá kết quả sau phẫu thuật Fontan ở nhóm bệnh nhân tim sinh lý 1 thất, xác định tỉ lệ thất bại với tuần hoàn Fontan ở giai đoạn sớm (early Fontan failure- EFF) và sơ bộ khảo sát các yếu tố nguy cơ trên nhóm bệnh nhân này. Đối tượng và phương pháp: tổng số 145 bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật Fontan tại Trung tâm tim mạch- Bệnh viện E trong giai đoạn từ tháng 8/2012 đến 12/2019. Kết quả sau mổ được tập trung nghiên cứu và phân tích là tình trạng thất bại với tuần hoàn Fontan ở giai đoạn sớm (EFF). Kết quả: tỷ lệ gặp EFF trong nghiên cứu là 9,66% (14 trường hợp, trong đó có 13 trường hợp tử vong và 1 trường hợp chấm dứt tuần hoàn Fontan). Phân tích đơn biến với các biến số trước mổ chỉ ra một số yếu tố nguy cơ liên quan với EFF bao gồm: thể bệnh giải phẫu thông sàn nhĩ thất thể không cân xứng, bất thường đảo ngược phủ tạng, tình trạng hở van nhĩ thất từ trước mổ, tuần hoàn bàng hệ chủ- phổi lớn phát hiện trên siêu âm, tình trạng tăng áp lực động mạch phổi và tăng sức cản hệ mạch máu phổi trước mổ. Phân tích đơn biến với các yếu tố trong quá trình phẫu thuật có liên quan với EFF bao gồm: tiến hành tạo hình động mạch phổi hoặc sửa van nhĩ thất cùng thời điểm phẫu thuật Fontan, tăng áp lực động mạch phổi, và tình trạng chảy máu trong mổ. Dấu hiệu phù ngay sau mổ cũng có liên quan chặt chẽ với EFF. Tổng số 22 yếu tố nguy cơ được tiến hành khảo sát và phân tích đa biến, xác định được 3 yếu tố độc lập thực sự làm gia tăng nguy cơ EFF sau mổ: tăng áp lực động mạch phổi trước mổ (OR: 1.84, 95%CI: 1.12 – 3.00, p=0.016), tiến hành sửa van nhĩ thất cùng thời điểm phẫu thuật Fontan (OR: 65.85, 95%CI: 1.95–2228.14, p=0.020), và tình trạng tăng áp lực động mạch phổi ngay sau mổ (OR: 1.66, 95%CI: 1.19–2.33, p=0.004). Kết luận: trong nghiên cứu này, tỉ lệ EFF sau phẫu thuật Fontan còn tương đối cao, và là nguyên nhân chính của tỉ lệ tử vong sau mổ. Tình trạng tăng áp lực động mạch phổi trước và ngay sau mổ, cùng với tiến hành sửa van nhĩ thất cùng thời điểm phẫu thuật Fontan là các yếu tố nguy cơ độc lập liên quan đến EFF sau mổ. 1